Nồi cháo yêu thương ấm lòng người bệnh

​Động lực để mình duy trì những nồi cháo yêu thương là hàng tuần được nhìn những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng vui mừng nhận những cốc cháo, chè hay súp đủ dinh dưỡng", chị Nguyễn Thị Thu Huyền, phường Vạn Phúc - chủ nhân của những nồi cháo yêu thương chia sẻ.

Nồi cháo yêu thương

Đầu năm 2020, chị Nguyễn Thị Thu Huyền đưa bố đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều điều trị. Tại đây, được chứng kiến những bệnh nhân vừa vất vả vì bệnh tật, vừa vất vả vì hoàn cảnh sống chị đã nung nấu ý định sẽ làm gì đó để giúp đỡ những người bệnh nơi đây. Chia sẻ về cơ duyên đến với hoạt động nấu cáo tình nghĩa, chị Huyền cho biết “Những ngường bị bệnh K sau khi làm hoá trị ăn uống rất khó, thường là ăn cháo cho dễ ăn và dễ tiêu hoá, vào chăm bố và nấu cháo cho bố và cả bệnh nhân bên cạnh cùng ăn, tôi đã nghĩ là sau này sẽ nấu cháo tặng miễn phí cho các bệnh nhân". Và sau khi bố chị qua đời, chị bắt đầu bắt tay vào việc làm thiện nguyện của mình.

Mới đầu chưa có kinh nghiệm, chị Huyền bàn với 4 người bạn của mình và nhờ mẹ của một chị trong nhóm đến nấu giúp. Nồi cháo được duy trì mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, mỗi lần nấu từ 80-100 lít cháo; được phát miễn phí tại cổng Viện K Tân Triều. Do kinh phí hạn hẹp, ban đầu nhóm của chị Huyền chỉ nấu cháo thịt và rau củ là chính, đến tháng 9/2020 được 1 công ty dinh dưỡng ủng hộ gạo bát bảo nên nhóm nấu thêm 1 nồi cháo chay khoảng 40-50 lít. Duy trì đều đặn đến tháng 5/2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhóm tạm ngừng nấu cháo.

Trong thời gian tạm ngừng nấu cháo thì nhóm lại kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ cho các điểm phòng chống dịch bệnh như viện K3, làm đồ ăn gửi cho các cụ ở Trại phong Xuân Mai. Trong thời gian dịch bệnh hạn chế đi lại thì Huyền cùng bạn nấu ăn sáng cho các điểm chốt phòng chống dịch bệnh của Phường Vạn Phúc.

Nồi cháo gắn kết

Vì dịch bệnh mà nhóm của chị Huyền dừng nấu cháo, nhưng trong suy nghĩ chị Huyền luôn trăn trở vì người bệnh vẫn cần điều trị, vẫn gặp khó khăn trong ăn uống và hơn hết còn khó khăn gấp bội vì kinh tế. Tháng 5/2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường, chị Nguyễn Thị Thu Huyền nhanh chóng xuống cổng Viện K Tân Triều để hỏi han. Chị chia sẻ “khoảnh khắc biết được nhiều bệnh nhân vẫn mong các suất cháo từ thiện, vẫn có những người hỏi thăm nồi cháo của nhóm, mình thật sự rất xúc động và ấm lòng". Về nhà, Huyền bắt tay ngay chuẩn bị những nồi cháo tình nghĩa.

Thời gian đấy Huyền cũng đắn đo vì sức mình có hạn, nếu đã nấu thì phải nấu nhiều chứ nấu mấy chục suất thì không đủ chia. Huyền chia sẻ với những người trong gia đình và đều nhận được ủng hộ, đồng thời kêu gọi tài trợ ủng hộ trên trang fanpage cá nhân và được nhiều bạn bè ủng hộ về kinh phí và sự hào hứng từ các em sinh viên Đội sinh viên tiếp sức người bệnh Viện y dược học cổ truyền nên Huyền quyết tâm khởi động lại nồi cháo.

Từ đợt quay trở lại Huyền nấu số lượng nhiều hơn nên Huyền sắm thêm nồi, thêm bếp ga công nghiệp, thùng đựng cháo (trước đó chỉ có 2 bếp ga và phải dùng thêm 1 bếp than) và hàng tuần nấu khoảng 120 lít cháo mặn, 70 lít cháo chay. Trong những ngày hè nắng nóng Huyền giảm số lượng cháo mặn và nấu thêm chè đậu đen đá cho bà con bệnh nhân. Đến tháng 10/2022 Huyền được 1 chị bạn là chủ nhà hàng Tân Hoàng Gia (Ngô Quyền, Hà Đông) ngỏ ý ủng hộ nồi cháo nên em có trao đổi với chị và đổi thành món soup tăng thực đơn cho bà con có sự lựa chọn. Cũng thời điểm đó, nhóm của Huyền chuyển phát cháo từ chủ nhật sang thứ 7 vì chủ nhật bà con tranh thủ về nhà, về quê nên viện cũng vắng hơn rất nhiều.

Từ đó đến nay, bếp cháo của Huyền vẫn duy trì nấu mỗi tuần 1 lần vào sáng ngày thứ 7 với 120 lít cháo mặn, 70 lít cháo chay và 60 lít soup. Đầu năm 2023, bếp được 1 bạn quan tâm theo dõi và đề nghị chuyển hết sang dùng cốc giấy để đựng đồ ăn vừa đảm bảo an toàn cho thực phẩm vừa đảm bảo VSMT hạn chế dùng đồ nhựa; đều đặn mỗi lần phát 500-600 cốc.

Với sự góp sức của 10-15 người tham gia phát cháo nên số lượng 500-600 suất cháo soup như vậy nhưng nhóm chỉ phát chưa đến 30 phút là đã hết. Đến mùa hè này sẽ nấu khoảng 200 lít chè đậu đen. Kinh phí cho mỗi buổi nấu, trừ những lương thực, thực phẩm đã được ủng hộ sẽ hết vào khoảng 2-2,5 triệu đồng, có những hôm không đến nếu thực phẩm đều được ủng hộ.

Đặc biệt, sau khi phát động trên trang fanpage đã có rất  nhiều mạnh thường quân ủng hộ cả vật chất và tinh thần, quỹ của nhóm đều được ghi chép từng nguồn ủng hộ đều được công khai để thể hiện sự cảm ơn đến người đóng góp và bên cạnh đó mọi người đều có thể cùng theo dõi qua đó minh bạch về nguồn ủng hộ, mọi khoản chi tiêu cũng được ghi chép cụ thể. 

Như một thói quen, cứ đến gần cuối tuần Huyền lại thấy rất vui để chuẩn bị cho những cốc cháo yêu thương phát cho người bệnh. Người bệnh và người nhà bệnh nhân truyền tin cho nhau, hết đợt bệnh nhân này đến đợt bệnh nhân khác luôn mong chờ để nhận những cốc cháo đủ dinh dưỡng, ấm áp tình người, góp phần chung tay cùng họ san sẻ bớt khó khăn trong cuộc sống. Chỉ cần nhìn dòng người xếp hàng chờ đến lượt lĩnh cháo, súp hay chè là Huyền thấy có thêm động lực để duy trì những nồi cháo tiếp theo. 

Nồi cháo yêu thương của Huyền giờ đây đã trở thành nồi cháo gắn kết, gắn kết những người cùng muốn làm việc tốt, việc thiện cho đời; gắn kết những tình nguyện viên và người bệnh; thậm chí còn gắn kết những người bệnh- những người có những hoàn cảnh không may mắn lại với nhau; họ cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ trong cuộc sống.

Ngoài nấu cháo, nhóm của Huyền thường kết hợp với các bạn Đội sinh viên tiếp sức người bệnh Viện y dược học cổ truyền về Trại phong Xuân Mai trao quà, nấu ăn, trò chuyện tổ chức văn nghệ, gói bánh trưng tặng bệnh nhân ở đây. Trong đợt ủng hộ miền Trung đợt lũ lụt, nhóm của Huyền cũng kêu gọi và ủng hộ vào Quảng Bình trực tiếp có bạn cùng nhóm đến tại điểm trao quà. Hàng năm Huyền còn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và tham gia nhiều chương trình từ thiện khác.

Bằng những việc làm thật sự ý nghĩa, Nguyễn Thị Thu Huyền đã góp một phần không nhỏ để sẻ chia khó khăn với những người không may mắn trong cuộc sống, việc làm này đã lan tỏa được cho 2 nhóm cùng phát cháo tại Viện K3, dù rằng họ chỉ phát được 1 tháng 1 lần nhưng đó là cái tâm và sự chung tay vì cộng đồng hết sức ý nghĩa.

Nguồn: 

cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức