Vai trò của Bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội

Hệ thống an sinh xã hội là một hệ thống tổng hợp gồm nhiều chế độ, chính sách mà trong đó mỗi chế độ, chính sách đều có vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động riêng, mang tính kết hợp nhằm tạo ra một mạng lưới xã hội rộng khắp, bao trùm lên toàn bộ dân cư của một quốc gia với mục tiêu bảo vệ mọi thành viên của mình trước những rủi ro và giữ gìn cuộc sống của họ với những biện pháp thích hợp hay những quyền lợi hợp lý trước những biến động bất thường xảy ra hay những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt. 

 

Tuy nhiên, trong hệ thống an sinh xã hội thì BHXH giữ vai trò nền tảng, trụ cột và bền vững. Phát triển BHXH sẽ tạo ra tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội khác, góp phần phát triển kinh tế  - xã hội của đất nước.

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Theo phương thức BHXH, người lao động khi có việc làm và khoẻ mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, tiền công để hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc tuổi già nhằm duy trì và ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Do vậy, hoạt động BHXH một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và đối với cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình" thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ kế tiếp nhau trong một quốc gia, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị - xã hội bền vững.

Người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm đóng góp BHXH cho người lao động. Nếu theo nhìn nhận ban đầu, việc đóng góp BHXH cho người lao động có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng thực chất, về lâu dài, phương thức BHXH đã chuyển giao trách nhiệm bảo vệ người lao động về phía xã hội, rủi ro được điều tiết trên phạm vi toàn xã hội, giúp cho chủ sử dụng lao động bớt những khó khăn, lo lắng về nguồn lao động của doanh nghiệp, yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, BHXH là sự bảo vệ và duy trì yếu tố lao động của quá trình sản xuất, kinh doanh - nguồn lực quyết định sự phát triển của đất nước.

BHXH là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và người lao động, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm ASXH bền vững. Trên thị trường lao động, “tiền lương là giá cả sức lao động" được hình thành dựa vào quan hệ “cung - cầu" mà trong đó Nhà nước quản lý thông qua những quy định về mức lương tối thiểu và những điều kiện lao động thiết yếu.  Tiền lương, tiền công được xác lập theo thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là sự phân phối lần đầu và phân phối trực tiếp cho từng người lao động. Do vậy, người nào có tay nghề cao, có nghề nghiệp đang thích ứng với nhu cầu của xã hội thì người đó có thu nhập cao - đó là sự hợp lý - và khuyến khích làm giàu chính đáng. Sau khi đã điều tiết thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước sẽ tiến hành phân phối lại thông qua BHXH. Khi đó người nào có tiền lương, tiền công cao hơn sẽ đóng góp nhiều hơn để trợ giúp những người “yếu thế" hơn trong xã hội. Một bộ phận lao động khác do gặp phải rủi ro hay hạn chế về sức khoẻ, về năng lực, về hoàn cảnh gia đình hoặc có việc làm không ổn định, thu nhập thấp hơn... sẽ nhận được các quyền lợi BHXH để bình ổn cuộc sống. Bên cạnh đó, chế độ hưu trí, tử tuất với nguyên tắc tương đồng giữa mức đóng và mức hưởng đã khuyến khích người lao động khi làm việc đóng góp ở mức cao, với thời gian dài thì sau này sẽ được hưởng tiền lương hưu với mức cao, an tâm nghỉ ngơi khi tuổi già.

Nhà nước tiến hành xây dựng chính sách pháp luật, tổ chức và giám sát thực hiện nhằm đảm bảo tốt quyền và nghĩa vụ của người tham gia BHXH. Mặt khác, chính sách BHXH là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, giúp Nhà nước điều tiết quan hệ giữa kinh tế và xã hội trên phương diện vĩ mô, vừa đảm bảo cho nền kinh tế liên tục phát triển, vừa giữ gìn ổn định và công bằng xã hội. Nhà nước quản lý BHXH, bảo hộ cho quỹ BHXH mà không cần đầu tư về tài chính cho lĩnh vực này và đã giải quyết hài hòa mối quan hệ tổng thể: Nhà nước - Thị trường - Xã hội.

Chính sách BHXH dựa trên nguyên tắc “đóng - hưởng" đã tạo ra sự bình đẳng cho mọi người lao động cho dù họ làm việc ở các thành phần kinh tế, các ngành nghề, ở các địa bàn hoặc theo các hình thức lao động khác nhau khi tham gia BHXH. Phạm vi đối tượng tham gia BHXH không ngừng được mở rộng đã thu hút được mọi người lao động, khuyến khích họ tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi BHXH, tạo được sự tin tưởng và yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh. Với những quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH đã góp phần thu hút nguồn lao động; giữ gìn và nâng cao thể lực cho người lao động trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Thực hiện tốt chính sách BHXH, nhất là chế độ hưu trí sẽ đảm bảo ổn định cuộc người lao động khi về già, gắn kết trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp cùng chung tay xây dựng hệ thống BHXH bền vững. Lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng sẽ giúp cho người nghỉ hưu có thu nhập ổn định, tạo sự an tâm, tin tưởng vào chế độ xã hội sau cả cuộc đời lao động, cống hiến. Bên cạnh đó, lương hưu luôn được điều chỉnh tăng cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội đã gắn kết được trách nhiệm giữa các thế hệ kế tiếp trong việc cải thiện đời sống người nghỉ hưu cũng như tạo ra sự phát triển bền vững liên tục của hệ thống BHXH từ đời này sang đời khác.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi như: Được tham gia và hưởng các chế độ theo Luật BHXH. Được cấp và quản lý sổ BHXH và nhận lại sổ khi không còn làm việc. Nhận lương hưu và trợ cấp đầy đủ, kịp thời theo các hình thức sau: nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được ủy quyền; nhận thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; nhận thông qua công ty, tổ chức nơi làm việc hay người sử dụng lao động. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp: đang hưởng lương hưu, nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, nhận con nuôi, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay trợ cấp ốm đau. Chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được thanh toán chi phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện hưởng BHXH. Ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH cho người khác. Được cung cấp thông tin về đóng BHXH theo định kỳ; yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng và quyền được hưởng các chế độ của BHXH. Người tham gia được khiếu nại, tố cáo và khởi kiện BHXH theo quy định pháp luật.

Thực hiện: 

ĐTT PHƯỜNG

Nguồn: 

cổng TTĐT Quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức