Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2025

Như chúng ta đã biết, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao do nhà bác học người Đức - Robert Koch là người đầu tiên công bố tìm ra vào ngày 24 tháng 03 năm 1882 đến nay đã được 143 năm. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục. Nếu không có sự kiểm soát của con người bằng các biện pháp và công cụ hữu hiệu, bệnh lao có thể bùng phát như một bệnh dịch nguy hiểm làm chết nhiều người và tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Bệnh lao – vấn đề sức khỏe toàn cầu!

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống lao được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng chống bệnh lao với nhiều chính sách và hành động cụ thể. Đặc biệt, trong năm 2024, Công điện số 25/CĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lao ngày 25/03/2024 đã đẩy mạnh những nỗ lực phòng chống lao trên toàn quốc, mang lại kết quả vượt bậc.

Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, TCYTTG ước tính Việt nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân Lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.

Trên cơ sở chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao thế giới, chủ đề của Việt Nam năm 2025 là:

VIỆT NAM CAM KẾT, ĐẦU TƯ, HÀNH ĐỘNG

ĐỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO

Hoà chung và hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi trên toàn cầu, chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao của Việt Nam như một lời khẳng định những nỗ lực cam kết, đầu tư, hành động ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam.

Chủ đề này mang đến cơ hội để suy ngẫm về tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả cho các can thiệp đối với công tác dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao.

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban/ ngành/ đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ Trung ương đến địa phương

Bệnh lao có thể dự phòng và điều trị được!

Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở.

Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến khám và xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Hà Nội (số 44 đường Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên ngành để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao. Hoặc đến khám tại các phòng khám lao quận huyện và bệnh viện có liên kết với Chương trình chống lao để khám và chẩn đoán bệnh.

Người bệnh lao sẽ được điều trị theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Chiến lược DOTS được coi là biện pháp điều trị bệnh lao hiệu quả nhất. Thuốc chữa bệnh lao hiện tại đã Bảo hiểm y tế thanh toán. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hoặc chữa trị tại phòng khám không chuyên khoa.

Để phòng, chống bệnh lao có hiệu quả, trong tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh lao cấp tính. Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, trẻ nhiễm HIV cần được uống thuốc dự phòng bệnh. Những người bị bệnh Lao cần thực hiện những điều sau để bảo vệ người thân và cộng đồng: điều trị tích cực, tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong thời gian đang điều trị; che miệng, mũi bằng khăn, giấy mềm hoặc bằng cánh tay áo khi ho, khi hắt hơi; Khạc, nhổ đờm vào khăn giấy hoặc cốc giấy rồi bỏ vào thùng rác hoặc đốt đi; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để giữ bàn tay luôn sạch sẽ; phòng ở cần luôn luôn thông thoáng. Phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh lao cho người bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất.

"Vì một Việt Nam không còn bệnh lao", các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà hãy tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh lao.

Hãy nghĩ đến bệnh lao khi có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần!

Thực hiện: 

ĐTT Phường

Nguồn: 

sở y tế Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức