Ngày 28/7, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy đã ký ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/QU của Đảng bộ quận thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chương trình hành động xác định 4 mục đích, yêu cầu, 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân toàn quận, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.
Để phấn đấu theo nội dung Nghị quyết 15 “Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới", Quận ủy Hà Đông đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu đến 2025 và 2030, gồm:
- Hàng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có TCCSĐ không hoàn thành nhiệm vụ; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp ít nhất 255 đảng viên mới.
- MTTQ, các tổ chức CT-XH cấp quận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt 100%, trong đó từ 20% trở lên đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Đến năm cuối nhiệm kỳ 2025, 2030 phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý tối thiểu 15%, cán bộ nữ tối thiểu 15%.
- Đến năm cuối nhiệm kỳ 2025, 2030 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý có trình độ: 100% đạt chuyên môn đại học, trong đó trên 50% đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 100% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị; ít nhất 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới. Cán bộ cấp quận diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý có trình độ: 100% đạt chuyên môn đại học, trong đó 40% đạt trình độ trên đại học; 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Cán bộ chủ chốt phường: 100% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó trên đại học trên 15%; 100% đạt trình độ trung cấp LLCT trở lên.
- Tổng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đến năm 2025, tinh giản tối thiểu 10% so với năm 2021; đến năm 2030, tinh giản tối thiểu 10% so với năm 2025.
- Đến năm 2025, tối thiểu có 20%; đến năm 2030, tối thiểu có 50% đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính.
- Phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%; tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với cổng dịch vụ công quốc gia.
- Phấn đấu 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí.
- Phấn đấu 60% các hệ thống thông tin của quận có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác, chia sẻ tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến năm 2025, 2030 hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị quận.
- Đến năm 2023, chỉ số SIPAS đạt trên 85%; đến năm 2025 đạt trên 90%; đến năm 2030 đạt trên 95%.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó 30% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.
- Cơ cấu thương mại, dịch vụ đến năm 2025 đạt từ 65%-65.5%; năm 2030 đạt từ trên 70%. Cơ cấu công nghiệp, xây dựng, công nghiệp văn hóa đến năm 2025 đạt từ 22%-23%; năm 2030 đạt từ 10%-20%.
- Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận của một số ngành chủ yếu (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2020-2025 là 12.7% (trong đó thương mại dịch vụ 16.24%; công nghiệp, xây dựng 8.98%); giai đoạn 2025-2030 là 15%.
- Thu nhập bình quân GRDB/người năm 2025 đạt 8300-8500USD/năm; năm 2030 đạt 12000-13000USD/năm.
- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2025 đạt 30%; năm 2030 đạt 40%.
Cũng theo Chương trình hành động, để thực hiện thành công các chỉ tiêu trên, Đảng bộ quận đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức CT-XH các cấp của quận Hà Đông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Hai là, phát triển kinh tế quận Hà Đông nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó chú trọng phát triển mạnh dịch vụ trình độ, chất lượng cao; cơ cấu lại ngành công nghiệp, nông nghiệp; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển các thành phần kinh tế.
Ba là, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Năm là, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Sáu là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị quận thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh. Trong đó tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tăng cường đổi mới, năng cao hiệu quả hoạt động công tác dân vận; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các hội quần chúng xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân.
Viết bình luận