Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông vừa ban hành Hướng dẫn số 39-HD/BTGQU về đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong khối tuyên truyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận, các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ quận đẩy mạnh tuyên truyền 8 nội dung chính.
Thứ nhất, tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân”; khẳng định những thành tựu đạt được của đất nước trên các lĩnh vực thời gian qua trong bối cảnh khó khăn, cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; khẳng định công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Thứ hai, tập trung tuyên truyền phân tích, lý giải sâu sắc, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng tuyên truyền, nhấn mạnh tạo sự thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn; “phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”; các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chủ động các phương án, kịch bản chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
Thứ ba, tuyên truyền, phản ánh kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, BCĐ Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của các ban, bộ, ngành, của Thành ủy, UBND Thành phố; Quận ủy, UBND quận và cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; đồng thời tuyên truyền, cập nhật các chính sách mới của Nhà nước, của Thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề an sinh, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của quận, Thủ đô và đất nước sau những tác động tiêu cực của đại dịch.
Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thành phố và Quận về thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch nhưng với từng vùng, từng địa bàn, đặc điểm dân cư cần tập trung những nội dung trọng tâm, trọng điểm.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền các chỉ dẫn của Bộ Y tế và kiến thức khoa học về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các kỹ năng cần thiết và ý thức, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, xã hội để người dân tự phòng tránh khi phải cách ly hoặc chữa trị tại nhà. Tuyên truyền, giải thích “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; thực hiện bao phủ vắc xin COVID-19 cho toàn dân là mục tiêu, là biện pháp nhằm sớm đẩy lùi và hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo về mức độ nguy hiểm và cơ chế lây lan dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời thông tin, tuyên truyền kịp thời, khách quan, minh bạch, cân bằng diễn biến tình hình dịch, công tác phòng, chống dịch, kết quả điều trị trong nước, khu vực và quốc tế. Chú trọng thông tin, phản ánh việc ứng xử với người mắc bệnh, người bị cách ly; phê phán tư tưởng chủ quan, lơ là mất cảnh giác, cố tình vi phạm quy định chống dịch của một bộ phận nhân dân. Tuyên truyền kinh nghiệm phòng, chống dịch của các địa phương trên cả nước, phương thức có hiệu quả của các nước trong khu vực và thế giới, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nước phục vụ công cuộc phòng, chống dịch. Đồng thời, tuyên truyền, phản ánh các ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sỹ, tri thức, nhà khoa học, doanh nhân, góp phần bổ sung hoàn thiện hơn nữa các giải pháp vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, tuyên truyền, khích lệ tinh thần chủ động, trách nhiệm, tận tụy hết mình của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch; biểu dương gương “người tốt”, “việc tốt”, những hành vi và nghĩa cử nhân văn, cao đẹp trong xã hội. Tuyên truyền, lan tỏa những tín hiệu lạc quan, điểm sáng trong tổ chức và khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19. Đề cao tinh thần tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, giải quyết khó khăn; khắc phục tâm lý ngồi chờ hay ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, địa phương; phát hiện, nhân rộng kịp thời những mô hình vượt khó của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền lan tỏa những hình ảnh đậm tính nhân văn, tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của toàn xã hội trong bối cảnh cả nước chống dịch; động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin cho Nhân dân, đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Khích lệ, động viên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ vững niềm tin vào nội lực, tiềm năng phát triển, khả năng khôi phục sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Thứ bảy, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam; thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, nhân văn, tất cả vì nhân dân của Nhà nước, của chế độ; thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; lòng nhân ái, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đẩy lùi đại dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của con người Việt Nam; đồng thời thể hiện tình cảm trân quý đối với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta.
Thứ tám, chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Lên án mạnh mẽ những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, như đầu cơ, thổi giá hàng hóa; làm giả giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm chủng; vi phạm quy định về thực hiện giãn cách xã hội; che giấu thông tin về các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh...
Viết bình luận