Phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền ra đời. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa Thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

78 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử, dù đã nhiều lần đổi tên và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau phù hợp với từng thời kỳ, nhưng ở thời kỳ nào của cách mạng, những người làm Văn hóa Việt Nam cũng hoàn thành một cách trọn vẹn, đẹp đẽ nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa –Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết và máu xương nhằm chung tay sát cánh cùng đồng bào, đồng chí, có mặt ở khắp các mặt trận suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam được tô đậm hơn, khắc ghi công lao của hàng ngàn chiến sĩ văn hóa đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Khi đất nước chuyển mình, đổi mới, phát triển và hội nhập, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã và đang không ngừng nỗ lực đóng góp công sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững đất nước.

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc.Văn hóa còn thì dân tộc còn…".Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển của đất nước. Qua đó, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhờ đó, ngành Văn hóa Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô, tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa gìn giữ giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Hà Nội cũng đang tích cực bàn thảo phương án phát triển của ngành và nguyên tắc, cách thức tích hợp nội dung vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tinh hoa văn hoá nhân loại.Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, “Vì hòa bình”, “Văn hiến, văn minh, hiện đại” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, với những thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh trong khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

 

Hà Nội sẽ đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở bảo tàng, thư viện, mỹ thuật, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, trung tâm, nhà văn hóa, không gian thiết kế, sáng tạo văn hóa và cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại; Ưu tiên nguồn lực thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị các di sản được UNESCO ghi danh, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

 

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa Thông tin (28/8/1945 - 28/8/2023) là dịp để cán bộ, viên chức, người lao động ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cả nước nói chung và ngành Văn hóa – Thể thao Hà Nội nói riêng cảm thấy tự hào và luôn vững tin, bền chí, yêu ngành, yêu nghề, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của ngành, góp phần làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Thực hiện: 

Đài truyền thanh Vạn Phúc

Nguồn: 

sở VHTT Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức