Chiều 22/10, Tổ đại biểu số 2 HĐND quận Hà Đông đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại phường Vạn Phúc về bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc.
Theo báo cáo của phường Vạn Phúc, trên địa bàn phường đến nay đã thành lập được 05 doanh nghiệp, 156 hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề, tổng số máy dệt còn 128 chiếc. Các sản phẩm đặc trưng của lụa Vạn Phúc gồm 70 loại như: lụa vân, lụa sa, luạ hoa với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có 102 thành viên, trong đó có 19 nghệ nhân, 57 thợ giỏi. Doanh thu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phường 2 năm gần đây đạt trên 608,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ sản xuất lụa ước đạt trên 336,7 tỷ đồng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, Đảng ủy phường đã ban hành Quyết định thành lập BCĐ thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy và 6 chương trình, đề án của Quận ủy, trong đó có Chương trình 05-CTr/QU của Quận ủy Hà Đông về “Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hóa góp phần phát triển kinh tế xã hội quận Hà Đông giao đoạn 2020- 2025"; BCĐ đã ban hành 02 kế hoạch thực hiện và thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ; UBND phường Vạn Phúc ban hành 05 kế hoạch thực hiện Chương trình 05 của Quận ủy.
Bên cạnh đó, phường tiếp tục duy trì 5 tuyến tour du lịch làng nghề gắn với các di tích lịch sử văn hóa làng nghề; tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa, thương hiệu nghề dệt lụa truyền thống do thành phố tổ chức. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống mạng xã hội… Hiệp hội làng nghề phối hợp với HTX dệt lụa Vạn Phúc tuyên truyền, vận động các hội viên, thành viên chủ động bám nghề, tăng sức sản xuất, sáng tạo; chủ động tham mưu tổ chức đào tạo nghề; động viên các thợ giỏi, chủ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại…
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đã có 03 ý kiến tập trung đề nghị sớm triển khai Quy hoạch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc để tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất kinh doanh; đề nghị có chính sách vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề dài hạn, quan tâm đến giá nguyên liệu; có giải pháp để các thợ dệt tiếp cận được các mẫu mã mới cũng như các sàn thương mại điện tử để tăng doanh thu từ dệt lụa…
Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Văn Dự - Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, quy hoạch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được triển khai từ năm 2016, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Tháng 4/2024 phường đã phối hợp với các phòng chức năng của quận đề xuất bổ sung điều chỉnh quy hoạch, UBND TP cũng đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tập trung triển khai lên phương án quy hoạch 1:500, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành Đồ án Quy hoạch chi tiết 1:500 và các bước tiếp theo UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành, quận thực hiện. Hiện tại nguồn nguyên liệu phục vụ cho dệt lụa trên địa bàn phường Vạn Phúc được nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), trong năm 2024, phường đã đón đoàn khách Bảo Lộc thăm làm việc với quận và phường Vạn Phúc, tuy nhiên do nguồn nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc vào thị trường, phường cũng đề nghị Hiệp hội làng nghề, HTX dệt lụa tiếp tục tham mưu cho UBND phường để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các xưởng sản xuất. Đối với chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề lâu dài hạn UBND phường tiếp thu và sẽ có ý kiến kiến nghị với các cấp có thẩm quyền; riêng việc bán sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử trên địa bàn phường cũng có một số doanh nghiệp đã chủ động triển khai và đạt hiệu quả, tuy nhiên để triển khai bài bản cũng cần các cá nhân chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng cần học hỏi, UBND phường ghi nhận và sẽ phối hợp với các đơn vị đào tạo, các ngành chức năng để tổ chức học tập.
Viết bình luận