Năm 2022, quận Hà Đông phấn đấu giao dịch thương mại điện tử đạt 40% thị trường kinh doanh

UBND quận Hà Đông vừa ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND thực hiện phát triển thương mại điện tử năm 2022 trên địa bàn quận. Theo đó, có 5 mục tiêu chính về thương mại điện tử quận Hà Đông phấn đấu đạt trong năm 2022.

Một là, doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn quận; tỷ lệ dân số quận Hà Đông tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 30%. 

Hai là, thị trường kinh doanh thương mại trong thương mại điện tử đạt 40%; 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. 

Ba là, 75% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Bốn là, 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR-code truy xuất nguồn gốc.

Năm là, Khuyến khích doanh nghiệp, cá nh​​ân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử trong các lĩnh vực như: du lịch, thực hiện số hóa một số điểm đến du lịch bằng giao diện 3D, công nghệ thực tế ảo.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, UBND quận yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc UBND quận căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công thực hiện công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; chủ động, tích cực tham mưu cho UBND quận chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, phức tạp; kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của Trung ương và Thành phố đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn; giới thiệu, phổ biến những mô hinh thương mại điện tử mới, tiên tiến. Phối hợp với các Sở, ngành tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn quận để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Phát triển Logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử; nâng cao năng lực hệ thống kho bãi, địa điểm lưu giữ hàng hóa tập trung, mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trên địa bàn quận.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đạt hiệu quả Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của Thành phố (http://hn.check.net.vn, http://check.gov.vn); Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, HTX ứng dụng bao bì gắn với tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ tham gia vào hệ thống quản lý truy xuất chung của Thành phố. Ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua. 

Cùng với đó, triển khai chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đế tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quản lý thuế điện tử trong thương mại điện tử. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thị trường kinh doanh thương mại trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn quận.

Thực hiện: 

Đài truyền thanh Vạn Phúc

Nguồn: 

cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức