Hà Nội: Triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022

Sáng 18/02/2022, Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Công tác cải cách hành chính nhà nước năm 2022 của thành phố Hà Nội. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 46 điểm cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

Hội nghị đã khái quát những kết quả nổi bật công tác cải cách hành chính năm 2021 của Thành phố, nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, thống nhất những nội dung trọng tâm cần triển khai trong năm 2022, đồng thời nghe báo cáo và thảo luận 02 chuyên đề quan trọng về cải cách hành chính, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, gồm (1) Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; (2) Triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố. 

Đại diện Công an thành phố Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP, đã báo cáo tóm tắt một số nội dung trọng tâm dự thảo Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND Thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/02/2022 để tổ chức triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nội dung Kế hoạch đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình cụ thể. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Trong đó, 7 quan điểm chỉ đạo lớn có tính xuyên suốt trong quá trình thực hiện, cụ thể như sau:

Một là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công.

Hai là, xác định dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 

Ba là, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bốn là, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính.

Năm là, dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả; Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số.

Sáu là, việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. 

Bảy là, việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô.

Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, Kế hoạch xác định cần thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, chủ động phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích. Đó là, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Thành phố; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; phối hợp hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Nguồn: 

cổng thông tin điện tử công an Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức