BND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 2/1/2025 về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội yêu cầu quá trình thực hiện sắp xếp tránh chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Xác định và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, triển khai thực hiện bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra.
Nguyên tắc sắp xếp
1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức người lao động phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
2. Bám sát nội dung định hướng của Trung ương, Thành ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất, điều chuyển chức năng của sở, ngành; đảm bảo tổ chức hợp lý các sở và tương đương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn.
3. Gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
4. Quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm sau 05 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Thành phố tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.
5. Kịp thời rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của các sở, ngành, UBND quận, huyện; xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã sau khi hợp nhất, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ.
Dự kiến phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Các sở, ngành thuộc diện hợp nhất, sáp nhập:
1. Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Kinh tế - Tài chính.
2. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường.
3. Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
4. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ và Lao động.
5. Hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND Thành phố.
6. Hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố.
7. Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng: Căn cứ kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện rà soát, sắp xếp.
Các sở, ngành thuộc diện chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ:
1. Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương
4. Ban Dân tộc tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; chức năng, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.
5. Văn phòng UBND Thành phố tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Ngoại vụ và nhiệm vụ xúc tiến đầu tư nước ngoài từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội.
Các sở và tương đương không thuộc diện sắp xếp hợp nhất:
1. Thanh tra Thành phố.
2. Sở Tư pháp.
3. Sở Văn hóa và Thể thao.
4. Sở Du lịch.
5. Sở Giao thông vận tải.
6. Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Sắp xếp các Chi cục và tương đương thuộc Sở
1. Hợp nhất Chi cục phát triển nông thôn và Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
2. Giải thể Chi cục Dân số Hà Nội để thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế.
Sắp xếp đơn vị sự nghiệp
1. Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan.
2. Đối với cơ quan báo chí thuộc UBND Thành phố thực hiện sắp xếp, kiện toàn sau khi có kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp các cơ quan báo chí của Thành phố.
3. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành: Tiến hành rà soát sắp xếp theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
Các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã
1. Duy trì 07 phòng và tương đương: (1) Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; (2) Phòng Tư pháp; (3) Phòng Tài chính - Kế hoạch; (4) Phòng Giáo dục và Đào tạo; (5) Phòng Y tế; (6) Phòng Quản lý đô thị; (7) Thanh tra.
2. Hợp nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số phòng:
Sáp nhập phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp: Phòng Nội vụ và Lao động); chuyển chức năng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về phòng Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội tội trên địa bàn về phòng Y tế.
Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường: Khối quận: Chuyển chức năng phòng chống thiên tai, các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; tên gọi sau sắp xếp là phòng Tài nguyên và Môi trường; Khối huyện và thị xã: Tiếp nhận chức năng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác phòng chống thiên tai từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Nông nghiệp và Môi trường.
Phòng Văn hoá - Thông tin tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin.
Đối với phòng Kinh tế: Khối quận: Chuyển chức năng phòng, chống thiên tai, các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hóa và Thông tin; đổi tên phòng Kinh tế thành phòng Công Thương. Khối huyện và thị xã: Chuyển chức năng lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn về phòng Nông nghiệp và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; đổi tên phòng Kinh tế thành phòng Công Thương.
Phòng Dân tộc, hiện chỉ có 01 phòng thuộc UBND huyện Ba Vì: Giải thể phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Ba Vì, chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng Dân tộc về phòng Nội vụ và Lao động.
Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất các sở, ngành thuộc UBND Thành phố và tổ chức bên trong các sở, ngành theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
UBND Thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; hồ sơ sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ trì hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sau sắp xếp, hợp nhất. Phối hợp các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh biên chế đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
UBND Thành phố yêu cầu việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện đúng định hướng, yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Việc triển khai phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể và bao quát, khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ. Làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện việc sắp xếp. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp theo quy định.
Viết bình luận