Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Đây là đạo luật quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, kiến tạo nên nguồn lực mà góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị an toàn xã hội, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân.
Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác quản lý và sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Đặc biệt, dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) và đã được Chính phủ hoàn thiện. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới như: Một là, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hai là, hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Ba là, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Bốn là, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; Sáu là, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; Bảy là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; Tám là, quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển; Chín là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực. Mười là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Trên cơ sở Nghị quyết số 671 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi). Quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng góp phần đánh giá năng lực của cơ quan hành pháp, lập pháp, hệ thống chính trị trong việc thể chế hoá những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Đồng thời, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nội dung cần lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 9 vấn đề trọng tâm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo được tổ chức với nhiều hình thức, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, 4 hình thức lấy ý kiến: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ website: luatdatdai.monre.gov.vn và các hình thức khác. Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kết thúc vào ngày 15 tháng 3. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp kết quả, tiếp thu, giải trình các vấn đề liên quan.
Công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các địa phương cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương, nghiêm túc, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, xuống đến khu phố, khu dân cư, sát với từng đối tượng, để ghi nhận sự đánh giá, phản biện, góp ý của từng người dân, tổ chức. Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng, thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và hiểu được nhiệm vụ xây dựng chính sách về đất đai là vì lợi ích nhân dân, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Viết bình luận