Chủ động phòng dịch sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19

Theo báo cáo của ngành Y tế quận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn quận Hà Đông chỉ ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thời tiết Hà Nội lại bước vào mùa mưa bão nên dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Vì thế, bên cạnh việc tập trung chống dịch COVID-19 thì người dân tuyệt đối không được chủ quan với các dịch bệnh khác, đặc biệt là sốt xuất huyết.

COVID-19 và sốt xuất huyết đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần... Còn sốt xuất huyết do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh. Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu... Tuy nhiên sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện: da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng… Còn đối với bệnh COVID-19 ngoài việc nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở… nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp… 

Các đối tượng nguy cơ đối với bệnh sốt xuất huyết nặng bao gồm: trẻ nhỏ, người nhiễm sốt xuất huyết lần 2, người ở vùng dịch sốt xuất huyết, bị các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, hen… Trong khi dịch COVID đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người bị sốt xuất huyết có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến COVID mà bỏ qua việc thăm khám xét nghiệm dẫn đến tình trạng có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn sẽ có triệu chứng rầm rộ hơn ở trẻ em, thường xuất hiện các biểu hiện điển hình và không có biến chứng. Bắt đầu bằng triệu chứng sốt (trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi) và kèm theo các biểu hiện như: đau phía sau mắt, đau nhức đầu nghiêm trọng, đau khớp và cơ, sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C, phát ban, buồn nôn và nôn. Người bệnh có thể bị xuất huyết nội tạng (đường tiêu hóa và xuất huyết não) triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn gây xuất huyết đường tiêu hóa sẽ bao gồm biểu hiện đau đầu bình thường và sốt nhẹ, không phát ban. Sau khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, phân có màu đen hoặc đi ngoài ra máu tươi, trên da bắt đầu xuất hiện các chấm xuất huyết, người mệt mỏi, da xanh tái... Trường hợp xuất huyết não sẽ rất khó nhận biết vì triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn sẽ không rõ ràng, có thể người bệnh chỉ bị sốt, đau đầu, liệt chân, tay hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê, dẫn đến tử vong. 

Hiện nay thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện tốt cho dịch SXH bùng phát, vì vậy để phòng bệnh, ngành Y tế quận khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Thực hiện: 

Đài truyền thanh Vạn Phúc

Nguồn: 

tổng hợp

Viết bình luận

Xem thêm tin tức