Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sĩ ta trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 cuối tháng 12/1972, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cách đây 45 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bắt đầu vào giai đoạn quyết định Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao ta đều giành thắng lợi to lớn Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng... Quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch. Thắng lợi này làm cho cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta, trong khi phía Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Chiến tranh càng tiếp tục kéo dài, càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ và khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Ních-xơn. Hội nghị đàm phán bổn bên tại Pari đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đến đầu tháng 10/1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định "Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam" và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này.
Sau khi Ních-xơn tái cừ Tổng thống nhiệm kỳ hai, đế quốc Mỹ đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Ngày 17/12/1972, Tổng thống Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II".
Âm mưu, thủ đoạn, sử dụng lực lượng và tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12 năm 1972
- Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.
- Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Trong đó, máy bay chiến lược B.52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F. 111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
- Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12/1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày và đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom, đạn. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
Ních-xơn đã ra lệnh cho B.52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B.52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong Thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương.
- "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là chiến thắng của chế độ mới xã hội xã hội chủ nghĩa, đánh bại sức mạnh quân sự hùng hậu của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới; làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới; củng cố mềm tin chiến thắng cho các lực lượng đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và cách mạng và giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Viết bình luận