VẠN PHÚC RỰC RỠ SẮC MÀU TRƯỚC THỀM DIỄN RA TUẦN VĂN HÓA DU LỊCH - THƯƠNG MẠI LÀNG NGHỀ 2023

Vạn Phúc những ngày này như khoác lên mình tấm áo mới khi chính quyền và nhân dân phường tích cực chuẩn bị các phần việc cho Tuần Văn hóa du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 (diễn ra từ ngày 26-10 đến ngày 2-11-2023).

Con đường dẫn vào phố lụa Vạn Phúc được trang hoàng lộng lẫy, ấn tượng với những sắc màu truyền thống của vùng đất “quê lụa”. Đó là tuyến đường ô, đường cánh diều rực rỡ kéo dài hàng trăm mét dọc tuyến phố; những guồng tơ được sắp đặt đẹp mắt; bức họa tái hiện quy trình sản xuất lụa của làng... Đặc biệt, cây cầu kính đang gấp rút được lắp đặt để thêm trải nghiệm cho du khách.

Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự cho biết, phường đã triển khai cắt tỉa, thay mới cây xanh; bổ sung nước vào ao Rum; thay mới toàn bộ hệ thống bảng, biển, pano chỉ dẫn du lịch và quảng bá làng nghề. Bên cạnh đó, phường vận động các hộ kinh doanh, nhân dân tại các tổ dân phố chủ động trang trí, treo đèn, kết hoa trên các tuyến phố lụa, chợ lụa, Trung tâm Bảo tồn lụa, phố Cầu Am... tạo các điểm check in độc đáo cho du khách.

Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn hút du khách, một nhóm bạn trẻ vừa hoàn thiện bức họa lớn khu vực vườn hoa trước cửa đình làng. Bức họa có diện tích khoảng 100m2, tái hiện quy trình ươm tơ, se tơ, dệt lụa, phơi lụa của người làng Vạn Phúc. Nhóm bạn trẻ triển khai bức vẽ này trong 4 ngày với sự đóng góp hàng chục ngày công của thành viên trong nhóm cùng sự hỗ trợ của các cô giáo Trường mầm non Vạn Phúc và Trường mầm non Quang Trung. Toàn bộ nhân lực tham gia vẽ tranh đều xã hội hóa.

Tuần Văn hóa - du lịch - thương mại làng nghề lụa Vạn Phúc với chủ đề "Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập" năm nay càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập phường Vạn Phúc (30/10/2003 - 30/10/2023). Tuần Văn hóa sẽ có 3 phần: Lễ, hội và phần thương mại.

Với phần lễ, các nghệ nhân và nhân dân trong làng nghề sẽ tổ chức rước tôn vinh Tổ nghề lụa; đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia đối với làng nghề; Bằng công nhận sắc phong di tích đặc biệt; Bằng công nhận điểm đến Du lịch Thủ đô năm 2023; Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội trao tặng.

Phần hội sẽ có: Chương trình duyên dáng lụa Hà Đông, trình diễn áo dài nhí, trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng (hát văn, hầu đồng, ca trù, quan họ, chèo); múa rối nước, hội thi vẽ tranh; hội chợ quê.

Phần thương mại nhằm quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc và các loại hình kinh doanh, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động thương mại diễn ra xuyên suốt trong Tuần văn hóa và nhiều nơi trên địa bàn phường, như: Phố lụa; phố ẩm thực Cầu Am; phố hoa, sinh vật cảnh - đồ cổ, đồ xưa; giao lưu thương mại các làng nghề truyền thống Hà Nội với gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm như: Làng gốm Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín); làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) và các làng nghề của Hà Đông như: Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo...

Tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức và Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023. Đây là hoạt động nhằm quảng bá nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc - Hà Đông; tăng cường xúc tiến thương mại - du lịch, du lịch trải nghiệm và các ngành nghề đa dạng khác của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và con người Hà Đông - Hà Nội.

Nguồn: 

cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức