Mỗi khi Tết đến, Xuân về, cây cối lại đâm chồi nảy lộc, lòng mỗi người phơi phơi đón mùa Xuân về và không quên hưởng ứng phong trào “trồng cây xanh” theo lời dạy của Bác. Ngày 17/2, UBND quận Hà Đông và UBND phường Vạn Phúc cùng tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại trường Tiểu học Vạn Bảo.
Lẽ thường, mùa Xuân là mùa bắt đầu của một năm, thời tiết ấm áp muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi chứ không còn nghèo nàn, khẳng khiu như mùa đông giá lạnh nữa. Thời tiết thuận lợi, kèm theo có những cơn mưa Xuân đầu mùa là thời điểm thích hợp để trồng cây xanh, trồng cây vào mùa Xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của cây xanh trong điều tiết môi trường sinh thái và môi trường sống của loài người.
Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, đế quốc Mỹ rắp tâm muốn hủy diệt thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, ném hàng vạn tấn bom đạn và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng núi nước ta, chúng hủy diệt môi sinh, phá hoại màu xanh của đất nước. Chính vì lẽ đó, ngày 1 tháng 1 Tết Ất Tỵ (1965), Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây, mở đầu bài viết bằng hai câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ:
"Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, kể từ đó cho tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định rằng, phong trào “Tết trồng cây” góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực hiện “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, nhiều năm qua các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đã hưởng ứng và tham gia tích cực; phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng thực sự mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao độ che phủ, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái và trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc ta.
Viết bình luận