Lễ rước tôn vinh Tổ nghề làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Sau lễ dâng hương Thành hoàng Tổ nghề, đại diện UBND phường và Ban quản lý di tích phường đã nhận Quyết định công nhận 11 đạo sắc phong đang được lưu trữ tại đình Vạn Phúc theo Quyết định số 5812 ngày 31/12/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc công nhận tài liệu lưu trữ quý hiếm tại các cơ sở thờ tự thuộc quận Hà Đông.

Tiếp đó là lễ rước Tổ nghề với trên 600 người tham gia. Đi đầu là Kiệu rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang ngồi soạn thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" tại Vạn Phúc ngày 19/12/1946. Tiếp đó là đội hình rước tâm linh, tôn vinh Đức Thành Hoàng làng có công gây dựng Trại Vạn bảo xưa - nay là phường Vạn Phúc từ thế kỷ thứ 9, cách đây 1.178 năm về trước - Người có công truyền dậy nghề dệt lụa cho dân làng, khiến vùng đất này ngày càng trù phú. Khối Làng nghề truyền thống có thợ dệt thao tác cùng các công cụ sản xuất, sản phẩm làng nghề. Các cô gái thon thả tươi vui gánh lụa, nêu bật bàn tay khéo léo, cần mẫn của người lao động và đông đảo nhân dân nô nức cổ vũ, chiêm ngưỡng trong không khí rộn ràng chiêng trống, cờ phướn tung bay.

Làng lụa Vạn Phúc có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay". Lụa Vạn Phúc nổi tiếng mượt mà, đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam, từng là vật phẩm cống vua dưới thời các triều đại phong kiến, từng tham gia Hội chợ quốc tế và được người Pháp đánh giá là sản phẩm “Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương".

Theo Ban tổ chức, lễ rước bên cạnh giá trị tâm linh, tôn vinh Tổ nghề, còn là cơ hội để làng lụa Vạn Phúc mở ra hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, cảnh quan, môi trường và văn hóa của làng nghề truyền thống.

Nguồn: 

cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức