Chiều 8/10, thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động và triển khai chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày chuyển đổi số TP Hà Nội năm 2024 (10/10/2024). Với mong muốn hoạt động chuyển đổi số của Hà Nội ngày càng được đẩy mạnh, rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, trong gần 2 năm qua, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số. Chính quyền số đã được triển khai mạnh mẽ với 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch thông qua nền tảng hệ thống dịch vụ trực tuyến. Hà Nội thí điểm thành công hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đến nay đều đạt trên 90%. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHaNoi". Ứng dụng này đã trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền Thành phố.
Tuyên bố phát động chiến dịch tổ chuyển đổi số cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải kêu gọi các thành viên ra quân "đi từng ngõ, gõ từng nhà", hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Các tổ chuyển đổi số cộng đồng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số; đào tạo kỹ năng số cho lao động, sinh viên và học sinh, xây dựng một thế hệ công dân có khả năng thích ứng với công nghệ và làm chủ tương lai.
Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia, Quận uỷ Hà Đông vừa ban hành Kế hoạch số 181-KH/QU về “Chuyển đổi số, xây dựng quận Hà Đông thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Kế hoạch xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025: Thực hiện chuyển đổi số phát triển quận Hà Đông theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, phấn đấu thuộc nhóm các quận dẫn đầu Thành phố về chuyển đổi số.
Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng quận thông minh. Các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng quận thông minh. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số; xây dựng quận thông minh, tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành quận thông minh. Xây dựng quận thông minh phải bảo đảm phù hợp với Đề án 06 của Chính phủ để triển khai có hiệu quả 5 nhóm tiện ích.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thành phố, Trung ương đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình phát triển chính quyền số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quy hoạch, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của quận. Đồng thời, phát triển, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của quận trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất để chuyển đổi thành hạ tầng số; hình thành trung tâm điều hành thông minh để tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của thành phố đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tạo nền tảng chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành của chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng quận Hà Đông cơ bản trở thành quận thông minh, hiện đại; duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các quận về chuyển đổi số, hình thành nền tảng dữ liệu cho cách ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Nguồn:
Tuyên giáo Hà Đông
Viết bình luận