Ngày 28/6, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và Công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.
Thay việc “phải đến trực tiếp” bằng “sử dụng công nghệ”
Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội kiến nghị tổ công tác Chính phủ, các bộ ngành loạt vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình Thành phố triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ, đặc biệt các vấn đề vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, quy định chuyên ngành; Thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các Hệ thống, phần mềm chuyên ngành, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành với Hệ thống của Thành phố Bộ Y tế phê duyệt kết quả thí điểm của Thành phố; nghiệm thu, đánh giá “Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử” Thành phố đã hoàn thành xây dựng để nghiên cứu, đề xuất triển khai trên toàn quốc...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm của thành phố Hà Nội, Bộ Y tế cũng triển khai tích cực trên các địa phương còn lại trên toàn quốc, để gắn chuyển đổi số với Đề án 06 trong lĩnh vực y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Y tế đang xây dựng đề án cụ thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số.Với kinh nghiệm thực hiện sổ sức khỏe điện tử của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế nghĩ rằng đây là một trong những kinh nghiệm, bài học sâu sắc để ngành y tế rút kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng đề án cũng như triển khai thực tiễn trong thời gian tới.
"Một trong những bài học chúng tôi thấy Hà Nội đã triển khai thành công đó là sự chỉ đạo rất quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, sự cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Công an, các bộ, ban, ngành để triển khai nhiệm vụ này. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn đề án được nhân rộng trên toàn quốc và phục vụ tốt hơn cho công tác của ngành y tế", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá hiệu quả của việc thành phố Hà Nội thực hiện Đề án 06 đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của Thành phố và các giá trị hiệu quả của Đề án đã mang lại hiệu quả từng bước, thay đổi tư duy trong công tác quản lý; thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất các bộ ngành, thành viên tổ công tác tiếp tục cùng với thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 nói chung và 19 mô hình nói riêng; thường xuyên giao ban để kịp thời tháo gỡ công việc, những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Nghiên cứu những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện 19 nhiệm vụ như: Thu phí không dừng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, lựa chọn, xây dựng kế hoạch và có lộ trình chi tiết để tổ chức triển khai phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực.
Đẩy mạnh chỉ đạo công tác số hóa tài liệu quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân gắn với những điều chỉnh quy trình nghiệp vụ ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hóa các TTHC. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo vấn đề này để người dân được hưởng những tiện ích của Đề án 06. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025: 100% dịch vụ công được thực hiện hoàn chỉnh, 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp được định danh xác thực điện tử không xuất trình hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; 50% các thủ tục hành chính giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.
Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Cần tập trung chỉ đạo 11 quận, huyện chưa hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch khẩn trương xây dựng lộ trình chi tiết để hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng cuối năm.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đề án 06, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả, lâu dài cho đất nước, người dân và doanh nghiệp, phù hợp với tình hình địa bàn, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với 5 nhóm pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn dữ liệu, nguồn lực.
Tại Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo và các đại biểu theo dõi thuyết minh về tiện ích của các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội được ra mắt tại Hội nghị.
UBND thành phố Hà Nội công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố bao gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.
Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VneID: Tạo nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, sử dụng sổ khám sức khỏe duy nhất trong đời.
Đặc biệt là hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo AI tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.
Viết bình luận