Thực hiện quyết định số 6920/QĐ- UBND ngày 24 tháng 12 năm 2018 của UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.
UBDN quận Hà Đông phối hợp cùng UBND phường Vạn Phúc sẽ tổ chức gắn biển tên đường phố Nguyễn Thanh Bình nối từ ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu đi qua các khu đô thị Văn Khê, An Hưng đến đường Lê Trọng Tấn và Phố Vũ Văn Cẩn từ đường Vạn Phúc đến ngõ 77 Phố Lụa. Dự kiến tổ chức ngày 17/5/2019. Địa điểm: đầu phố Nguyễn Thanh Bình ( ngã tư Vạn Phúc).
1/ Tiểu sử của Ông Nguyễn Thanh Bình:
Ông tên thật là Nguyễn Văn Huyên, sinh ngày 4 tháng 5 năm 1918, quê ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
Ngay từ năm 1938, ông tham gia phong trào dân chủ Đông Dương, chống chính quyền thực dân Pháp, từ đó chịu ảnh hưởng của những người Cộng sản. Khi Chính phủ Mặt trận Bình dân ở Pháp đổ, chính quyền thực dân đàn áp phong trào dân chủ và những người Cộng sản. Ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 năm 1939.
Khi hoạt động bí mật, ông lấy các bí danh Giáo, Bình để hoạt động. Tháng 5 năm 1940, ông được phân công làm Thành ủy viên Thành ủy Hải Phòng. Đến tháng 9 năm đó, ông bị lộ, bị chính quyền thực dân bắt và giam giữ tại các nhà tù Sơn La, Hòa Bình, Hỏa Lò.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ông vượt ngục ở nhà tù Hỏa Lò về hoạt động ở vùng Bắc Giang,Thái Nguyên, được tổ chức giao cho công tác phụ trách đội du kích, phụ trách lớp huấn luyện cán bộ cấp huyện của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, và được điều về tham gia Tỉnh ủy Bắc Giang, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, trực tiếp phụ trách phong trào Việt Minh ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Hữu Lũng, Lạng Giang, tham lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bắc Giang.[1]
Cách mạng tháng 8 thành công, ông được phân công giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Giang (sau đó đổi tên thành Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Giang).
Tháng 10 năm 1946, ông được cử làm đại diện Ủy ban Hành chính khu Bắc Bộ tại Khu XII, kiêm Ủy viên hành chính trong Ủy ban Kháng chiến hành chính Khu XII.
Khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, tháng 6 năm 1947, ông được cử giữ chức Khu ủy viên Khu XII.
Hoạt động hậu cần trong quân đội
Từ năm 1949 đến năm 1950, ông được Trung ương điều về giữ chức Ủy viên Ban Thanh tra Trung ương, sau đó chuyển sang quân đội giữ chức Cục trưởng Cục Quân nhu thay ông Phan Tử Lăng.[2]
Năm 1951, ông kiêm chức Bí thư Đảng bộ Tổng cục Cung cấp; năm 1952 là Ủy viên Đảng ủy Tổng cục Cung cấp.
Sau Hiệp định Geneve, chính quyền Việt Minh tiếp quản miền Bắc. Ông được cử giữ chức Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần, sau đó được thăng làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần năm 1955.[3]
Năm 1959, ông được cử kiêm chức Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, phong quân hàm Thiếu tướng.[4]
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam III (tháng 9/1960), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp
Tháng 1 năm 1961, ông được điều động làm Phó Ban Tài chính- Thương nghiệp Trung ương, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội thương.[5]
Tháng 12 năm 1962, ông được Quốc hội phê chuẩn chính thức quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông giữ chức vụ trên đến năm 1966.[6]
Từ tháng 4 năm 1966 đến tháng 3 năm 1973, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Tài chính-Thương nghiệp Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính- Thương nghiệp Phủ Thủ tướng (đến 1969)[7] kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1969 - 3.1974) [8],[9],[10],
Tháng 6 năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi thay ông Hà Kế Tấn[11] kiêm Trưởng ban Chỉ huy chống lụt bão Trung ương, kiêm Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Trị thủy và khai thác sông Hồng. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đến năm 1981 thì ông Nguyễn Cảnh Dinh thay thế.[12],[13],[14]
Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuối năm 1980, ông được phân công giữ chức Trưởng ban phân phối lưu thông của Trung ương Đảng.
Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, ông tái đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp.
Tháng 10 năm 1986, ông được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tháng 12 năm đó, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vàoBộ Chính trị.
Tháng 10 năm 1988, ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và giữ chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội do ông Phạm Thế Duyệt kế nhiệm.
Tháng 6 năm 1991, ông nghỉ hưu.
Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa III, IV, V, VI, VII và VIII.
Ông qua đời ngày 19 tháng 3 năm 2008 tại Hà Nội.
Hiện nay tên của ông được đặt tên cho một tuyến đường ở quận Hà Đông, Hà Nội, nối từ ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu đi qua các khu đô thị Văn Khê, An Hưng đến đường Lê Trọng Tấn.
2/ Tiểu sử Ông Vũ Văn Cẩn:
Vũ Văn Cẩn sinh năm 1914 tại Bạch Sam, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, ông học tiểu học tại Hà Nội. Năm 1936, ông tốt nghiệp tú tài, thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp năm 1943 với luận văn "Góp phần nghiên cứu mổ quặm mi sẹo do mắt hột". Cựu sinh viên Trường Đại học Y Dược Đông Dương.
Năm 1941, ông là cộng tác viên báo Thanh Nghị của nhóm Vũ Đình Hoè, Vũ Văn Hiền, Phan Anh... thành viên Tân Việt Nam hội.
Năm 1942, ông giác ngộ và tích cực hoạt động trong Tổng hội Sinh viên mà ông là một trong những người góp phần sáng lập và tham gia lãnh đạo, kết hợp đấu tranh chính trị bài trừ Pháp, Nhật, ủng hộ phong trào Việt Minh. Lãnh đạo Tổng hội sinh viên khi đó gồm các trí thức như Vũ Đình Hoè, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Huy Cận, Vũ Văn Cẩn, Đỗ Đức Dục, Phan Mỹ...
Cuối năm 1944, thực dân Pháp tập trung ông cùng một số bác sĩ vào Quân đội Pháp, được 3 tháng thì đảo chính Nhật - Pháp. Ngày 9-3-1945, quân Pháp buộc ông chạy sang Trung Quốc, ông trốn được chạy về Hà Nội tiếp tục hoạt động trong Tổng hội sinh viên. Do chống đối thuyết Đại Đông Á của Nhật, ông bị Nhật bắt giam tại Nhà dầu SHELL (ở phố Trần Hưng Đạo).
Năm 1946, ông nhập ngũ, được phân công làm Cục trưởng cục Quân y[3]. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1950 được thăng quân hàm Đại tá[4].
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đề ra nhiều chủ trương, giải pháp với nhiệm vụ cơ bản là: Bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và cứu chữa, điều trị cho thương binh, bệnh binh; thực hiện 5 phương châm sáng tạo; quy hoạch lại hệ thống bệnh viện; hình thành lý luận về tổ chức bảo đảm quân y trong chiến tranh và tổ chức cứu chữa thương, bệnh binh theo bậc thang điều trị; về tiếp tế quân y theo cơ số, xây dựng điều lệ cứu chữa thương binh... Đặc biệt, ông trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ năm 1964 đến năm 1970, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng cục Quân y. Sau hiệp định Geneve, ông trở về Hà Nội tham gia giảng dạy tại Đại học Y Dược Hà Nội.
Năm 1969, ông làm Thứ trưởng bộ Y tế.
Từ năm 1971 đến 1974 ông làm Quyền Bộ trưởng bộ Y tế do GS bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng lâm bệnh nặng, năm 1974 được thăng quân hàm Thiếu tướng. Từ năm 1974 đến 1982, ông làm Bộ trưởng bộ Y tế[5]
Do lâm bệnh nặng, ông qua đời năm 1982 tại Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi[6]
Phong tặng
Huân chương độc lập hạng nhất cho các đóng góp cho ngành Y tế.[2]Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2014.
Vinh danh
Hiện nay tên của ông được đặt tên cho một phố ở quận Hà Đông, Hà Nội, nối từ đường Vạn Phúc đến ngõ 77 phố Lụa.
Viết bình luận